Từ ca ghép thận thành công đầu tiên cách đây 2 thập kỷ, đến nay Bệnh viện Bạch Mai đã tiến hành ghép thành công cho hơn 400 trường hợp, mở ra cánh cửa sự sống cho rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh thận mạn, giai đoạn cuối. Đứng sau thành công ấy, không thể không nhắc tới đội ngũ cán bộ nhân viên của Khoa Phẫu thuật Tiết niệu – Đơn vị chịu trách nhiệm chính trong phẫu thuật ghép thận tại Bệnh viện Bạch Mai. Dưới sự dẫn dắt của Trưởng khoa TS. BS. Nguyễn Minh Tuấn, Khoa Phẫu thuật Tiết niệu đã làm chủ các kỹ thuật ghép thận, đảm nhận vai trò nòng cốt trong quá trình lấy – ghép – theo dõi thận ghép.
MỘT TRÁI TIM RA ĐI – NHIỀU CUỘC ĐỜI Ở LẠI
Chỉ trong một thời gian ngắn, Khoa Phẫu thuật Tiết niệu liên tục tham gia các ca lấy và ghép thận từ người hiến chết não, để lại nhiều cảm xúc và ý nghĩa. Gần đây nhất là trường hợp một nam bệnh nhân 50 tuổi, bị hôn mê sâu dẫn tới chết não do chấn thương sọ não nặng và chấn thương cột sống cổ sau tai nạn lao động. Nhờ có nghĩa cử cao đẹp đầy nhân văn từ phía gia đình người bệnh, đã mang lại hy vọng sống cho 4 bệnh nhân. Trái tim của người hiến ngay lập tức lên chuyến bay vào BV Trung ương Huế để tiếp tục đập trong lồng ngực một nữ bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh cơ tim giãn nhiều năm. Trong khi đó, lá gan được vận chuyển và ghép ngay trong ngày cho một bệnh nhân suy gan đang nằm điều trị tại BV Việt Đức. Hai quả thận của người bệnh được hiến tặng và trao sự sống ngay tại Phòng mổ của Bệnh viện Bạch Mai tới cho 2 trường hợp: một bệnh nhân nữ 23 tuổi, suy thận mạn do viêm thận lupus và một bệnh nhân nam 45 tuổi, suy thận mạn do viêm cầu thận mạn.
TS. Nguyễn Minh Tuấn trưởng kíp mổ ghép thận cho biết: “Ca mổ diễn ra trong 5 tiếng đồng hồ căng thẳng, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tiết niệu đã làm việc không ngừng nghỉ để thực hiện 2 ca ghép thận từ người cho chết não. Thành công của 2 ca mổ là kết quả của sự phối hợp nhịp nhàng, tận tâm và không biết mệt mỏi của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai – Những con người luôn đặt sức khỏe bệnh nhân lên trên tất cả”.
Mỗi bước trong ca mổ phải đảm bảo độ chính xác cao nhất, từ việc lấy tạng, rửa tạng cho đến việc ghép thận vào người nhận. Do đó từng y bác sĩ tham gia ghép luôn luôn phải tập trung cao độ và dành toàn bộ tâm huyết và trí lực cho từng động tác tinh tế nhằm mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh. Mỗi giây phút đều là thử thách, nhưng với nền tảng chuyên môn vững vàng và tinh thần trách nhiệm cao đã giúp ê-kíp Khoa Phẫu thuật Tiết niệu vượt qua mọi khó khăn, đảm bảo hai ca ghép thận thành công trọn vẹn.
Ảnh: Tiến sĩ Tuấn cùng ê-kíp đang tiến hành rửa thận ghép từ người cho
BỆNH VIỆN BẠCH MAI – ĐỊA CHỈ TIN CẬY CHO BỆNH NHÂN GHÉP THẬN
TS. BS. Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu, người đã dành hơn 20 năm nghiên cứu và triển khai các kỹ thuật điều trị bệnh lý tiết niệu phức tạp. Với kinh nghiệm từng tu nghiệp nước ngoài, TS. Tuấn đã dẫn dắt ê kíp vượt qua nhiều thách thức kỹ thuật để đưa kỹ thuật lấy và ghép thận triển khai thành công tại Bệnh viện Bạch Mai.
“Ghép thận không đơn thuần chỉ là một cuộc mổ, nó còn là chìa khóa mở ra cánh cửa sự sống cho hàng trăm bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Và đó mới là điều thực sự ý nghĩa.” – TS. Tuấn chia sẻ.
Với nhiều ca ghép thành công từ trước đến nay, khoa đã khẳng định vai trò và vị trí của mình trong lĩnh vực ghép thận khu vực miền Bắc, đặc biệt trong ghép từ người chết não – một kỹ thuật đòi hỏi chuyên môn cao, sự phối hợp liên chuyên khoa và xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra trong và sau mổ.
TRIỂN KHAI THƯỜNG QUY PHÂU THUẬT NỘI SOI LẤY THẬN GHÉP
Song song với việc triển khai lấy tạng từ người hiến chết não, Khoa Phẫu thuật Tiết niệu hiện đã triển khai thường quy kỹ thuật nội soi lấy thận qua phúc mạc từ người cho sống – một phương pháp hiện đại đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác gần như tuyệt đối. Thay vì phải chịu một đường mổ dài và đau đớn như trước đây. Người bệnh hiện nay chỉ còn một vài vết rạch nhỏ trên thành bụng. Đây là phẫu thuật ít xâm lấn, giúp người hiến thận phục hồi nhanh chóng và an toàn hơn rõ rệt.
Việc làm chủ kỹ thuật này không chỉ nâng cao chất lượng chuyên môn, đáp ứng nhu cầu phát triển kỹ thuật ghép tạng – một trong sáu trụ cột phát triển của Bệnh viện Bạch Mai trong thời gian tới, mà nó còn mở rộng cơ hội ghép thận từ người cho sống – một nguồn hiến quý giá, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đặc biệt trong bối cảnh số bệnh nhân suy thận mạn cần ghép ngày càng tăng.
Ảnh: Tiến sĩ Tuấn cùng ê-kip đang tiến hành nội soi lấy thận ghép từ người cho
HIẾN TẠNG – NGHĨA CỬ THẮP SÁNG NHỮNG TƯƠNG LAI
Sau thành công của ca mỗi ca ghép thận, công việc của các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tiết niệu không hề dừng lại. Hồi phục bệnh nhân là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự chăm sóc tỉ mỉ trong từng giai đoạn. Các bác sĩ của khoa luôn theo dõi sức khỏe bệnh nhân từng ngày từ số lượng nước tiểu cho tới dịch dẫn lưu hay vết mổ của người bệnh, với mục tiêu đảm bảo sự ổn định về chức năng thận mới ghép, phòng ngừa nhiễm trùng và xử lý kịp thời bất kỳ biến chứng nào.
Cả hai bệnh nhân nhận thận nói trên sau khi được ghép thận, đều đã có những chuyển biến tích cực, chức năng thận của cả hai người bệnh cải thiện từng ngày, và không còn cần tới máy lọc máu hỗ trợ, chờ đợi họ phía trước là những cơ hội mới, những dự định mới cho cuộc sống chứ không phải là cánh cửa phòng lọc máu 3 lần mỗi tuần.
Bạn và chúng tôi hãy cùng nhau lan tỏa thông điệp: Hiến tạng là một hành động cao đẹp, một nghĩa cử trao đi sự sống cho những cuộc đời đang chờ đợi cơ hội được hồi sinh.